TS. Phan Minh Ngọc
Đăng trên Kinh tế Saigon, 4/11/2022
https://thesaigontimes.vn/tang-luong-va-lam-phat/
Bấy lâu nay có một thực tế là khi Chính phủ tăng lương thì thường sau đó là lạm phát tăng cũng tăng lên tương ứng. Bởi vậy nên đã hình thành một ý niệm chung rằng tăng chi tiêu chính phủ (chẳng hạn như tăng lương hoặc tăng trợ cấp cho dân chúng và người lao động) sẽ dẫn đến lạm phát.
Có lẽ do bởi ý niệm này mà mới đây khi giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện tăng lương cơ sở từ 1-1-2023 thay vì 1-7-2023, Bộ Tài chính cho rằng: “Nếu thực hiện cải cách tiền lương vào thời điểm này (tức 1-1-2023) sẽ gây thêm sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát”(1).
Cũng với nỗi lo tăng lương làm tăng lạm phát nên đề xuất liên quan đã được đưa ra, theo đó: “Do bối cảnh thế giới, trong nước đang chịu áp lực lạm phát lớn, nên Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội lùi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 sau năm 2023”(1).
Phần tiếp theo của bài viết sẽ phân tích mối quan hệ giữa tăng chi tiêu chính phủ (gồm tăng lương) và lạm phát. Xin lưu ý rằng bài viết không bàn đến tính hợp lý, thỏa đáng của đợt tăng lương sắp tới này, dù rằng tác giả trong một bài viết khác trên cùng tờ báo đã nghiêng về phía không ủng hộ.
Lạm phát luôn là hiện tượng tiền tệ
Như đã biết, lạm phát luôn là hiện tượng tiền tệ trên khía cạnh là tiền trong nền kinh tế đang có nhiều hơn tương đối so với hàng hóa và dịch vụ tại một mức giá nhất định, và giải pháp tiền tệ luôn là giải pháp căn cơ để trị lạm phát.
Nói cách khác, dù Chính phủ có tăng chi tiêu, tăng lương cho người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nhưng nếu hành động này không làm tăng cung tiền (tiền trong nền kinh tế không nhiều lên một cách tương ứng) thì lạm phát sẽ không tăng lên.
Có khi nào Chính phủ của một nước nào đó tăng chi tiêu sẽ làm/dẫn đến tăng cung tiền trong nước đó? Câu trả lời là ‘Có’. Đó là khi Ngân hàng Trung ương của nước đó “đồng hành” cùng Chính phủ, cũng tăng cung tiền để đáp ứng mức độ tăng chi tiêu của Chính phủ. Lý do của việc “đồng hành” này có thể là Chính phủ đang bị thâm hụt ngân sách nặng, khó hoặc không thể vay mượn được trên thị trường trong nước và quốc tế, hoặc nếu vay mượn được thì với chi phí đắt đỏ. Hoặc cũng có thể là khi Ngân hàng Trung ương đơn giản chỉ là muốn nới lỏng chính sách tiền tệ để (cùng với Chính phủ) kích thích tăng trưởng kinh tế…
Tăng lương ở Việt Nam
Để biết tăng lương ở Việt Nam có dẫn đến lạm phát hay không thì trước tiên phải xem Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có phải là nguồn tài trợ cho việc tăng lương này không.
Theo Bộ Tài chính, nguồn lực để triển khai tăng lương cơ sở được lấy từ nguồn tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi hàng năm(2).
Như vậy, rõ ràng là nguồn chi trả cho việc tăng lương không đến trực tiếp từ việc “in tiền” – tăng cung tiền – của NHNN, nên trên danh nghĩa, việc tăng lương (hay tăng chi tiêu công nói chung) sẽ không làm tăng áp lực lạm phát ở Việt Nam.
Tuy vậy, điều quan ngại và là rủi ro lớn nhất của việc tăng chi tiêu, tăng lương của Chính phủ là nó sẽ làm tăng nợ công, tăng thâm hụt ngân sách và dẫn đến kết cục là ở một thời điểm nào đó, NHNN, với tư cách là một cơ quan cấp bộ trong Chính phủ, chưa có tính độc lập trong chính sách tiền tệ của mình, buộc phải tài trợ trực tiếp cho ngân sách sau khi việc vay nợ của Chính phủ diễn ra không suôn sẻ và/hoặc đẩy mặt bằng lãi suất trong nước lên mức quá cao, làm tê liệt hoạt động kinh tế của khu vực phi nhà nước.
Dẫu rằng nguồn tài trợ cho tăng lương, theo giải trình của Bộ Tài chính, là từ nguồn tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi hàng năm, điều này không khỏa lấp được thực tế rằng ngân sách vẫn đang rất căng thẳng như được minh chứng bằng việc Chính phủ đang phải tiếp tục đi vay ở quy mô lớn, một phần là để đảo nợ, và nợ công đang tăng lên trở lại cả về mặt tuyệt đối (giá trị nợ gốc và lãi phải trả) lẫn tương đối (dư nợ so với GDP) trong/từ năm nay.
Nói cách khác, nói nguồn tăng lương là từ tăng thu ngân sách vẫn sẽ là chưa đủ để an tâm rằng tăng lương không làm tăng lạm phát. Tuy là nguồn tăng thu ngân sách, chẳng hạn từ dầu thô, nhưng lại được dành cho việc tăng lương mà không phải dành cho, ví dụ, tài trợ cho các dự án đầu tư, phát triển công khác hoặc trả nợ công thì kết cục vẫn là Chính phủ phải phụ thuộc vào vay nợ ngày càng tăng và đến một lúc nào đó thì NHNN, dưới áp lực của Chính phủ (và Quốc hội) buộc phải nhảy vào cứu trợ, dẫn đến làm tăng lạm phát.
Tóm lại, tăng chi tiêu công, tăng lương không nhất thiết làm tăng lạm phát. Tuy nhiên, không phải là vô lý, vô cớ khi nhiều người lo ngại tăng lương sẽ làm tăng lạm phát ở Việt Nam bởi thực tế NHNN không có sự độc lập trong chính sách tiền tệ với sứ mệnh tối thượng là ổn định lạm phát nên dễ bị cuốn vào vòng xoáy thâm hụt ngân sách và lạm phát. Từ đây sẽ biết cần phải làm gì để tăng lương nói riêng hoặc tăng chi tiêu công nói chung không làm tăng lạm phát.
—
(1) https://thanhnien.vn/bo-tai-chinh-tang-luong-som-tu-112023-se-kho-kiem-soat-lam-phat-post1515128.html
https://thesaigontimes.vn/ngan-sach-danh-60-000-ti-dong-cho-viec-tang-luong-tu-1-7-2023/