By Dr. Phan Minh Ngoc
On The Saigon Economic Times, Apr 17, 2020
https://www.thesaigontimes.vn/302201/tbktsg-so-15-2020-de-khong-ai-bi-bo-roi-trong-dai-dich.html
Cách đây mấy hôm, người viết nhận được tin báo về gói bảo hiểm Covid miễn phí (complimentary) của một ngân hàng và một công ty bảo hiểm tại Singapore tặng cho khách hàng có tài khoản tại ngân hàng hoặc có mua sản phẩm từ công ty bảo hiểm này. Ngân hàng đó là DBS với gói bảo hiểm cung cấp bởi công ty bảo hiểm Chubb, còn công ty bảo hiểm kia là AIA với gói bảo hiểm miễn phí của chính họ. AIA tặng gói bảo hiểm miễn phí này cho 1.000 khách hàng đầu tiên đăng ký, kể từ ngày 26/3. Còn ngân hàng DBS tặng gói bảo hiểm của Chubb không giới hạn số người đăng ký nhưng thời hạn đăng ký là ngày 31/3. Cũng cần lưu ý thêm rằng Chính phủ Singapore sẽ đài thọ mọi chi phí chữa trị liên quan đến Covid tại các bệnh viện công của nước này, bất kể bệnh nhân có bảo hiểm hay không.
Một số điểm chung của 2 gói bảo hiểm miễn phí này là thời hạn bảo hiểm chỉ một tháng từ ngày đăng ký (và hết hạn vào cuối tháng 4); đối tượng được bảo hiểm là người đăng ký và vợ/chồng và con; quyền lợi bảo hiểm là tiền mặt (bảo hiểm của Chubb: 1.000 SGD – gần 17 triệu đồng, chi trả một lần khi phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện; và 100 SGD/ngày, tối đa 14 ngày khi nằm viện); bảo hiểm AIA: 10.000 SGD chi trả một lần khi người được bảo hiểm bị chết trực tiếp do Covid, và 10 lần tư vấn miễn phí qua điện thoại với bác sĩ về Covid); điều kiện được hưởng quyền lợi là người cư trú tại Singapore, trong độ tuổi nhất định, chưa bị cách ly bắt buộc bởi Bộ Y tế Singapore, chưa đi đến một số nước, vùng lãnh thổ cụ thể (hoặc được Chính phủ Singapore khuyến cáo không đi).
Ngoài các định chế trên, phần lớn các ngân hàng hay công ty bảo hiểm khác ở Singapore, thậm chí cả các định chế phi tài chính khác như công ty viễn thông Singtel hay Grab, đều bảo hiểm Covid miễn phí cho một số đối tượng khách hàng hiện hữu của họ (riêng với các công ty bảo hiểm, các khách hàng đã mua sản phẩm bảo hiểm của công ty đều được bảo hiểm Covid miễn phí trong thường là một tháng).
Như vậy, các gói bảo hiểm trên ở Singapore thực chất là không có động cơ trục lợi từ Covid. Tất nhiên là nếu nhìn từ góc độ hiệu ứng marketing thì không thể nói rằng các định chế này không có lợi ích gì. Bằng việc tung ra các gói bảo hiểm này thì các định chế cũng thu lợi một cách gián tiếp thông qua việc làm đẹp hình ảnh của mình trong con mắt khách hàng như là những định chế có trách nhiệm xã hội cao. Nhưng rõ ràng việc “trục lợi” này là tốt cho tất cả các bên, bởi khách hàng của các định chế này được thêm quyền lợi mà không phải bỏ ra thêm xu nào, còn quốc gia thì có thêm phần ổn định bởi một số người không may mắn bị dịch bệnh sẽ được một tổ chức phi chính phủ khác tài trợ mà không cần phải trông vào ngân sách để hỗ trợ.
Một điểm đáng chú ý khác là ở Singapore dường như không có hãng bảo hiểm nào tung ra gói bảo hiểm riêng liên quan đến Covid cho người cư trú ở Singapore khi bị nhiễm Covid tại Singapore, ngoài những gói bảo hiểm miễn phí cho khách hàng hiện hữu như nói ở trên, và ngoài các gói bảo hiểm du lịch nước ngoài. Lý do của sự thiếu vắng các gói bảo hiểm riêng liên quan đến Covid ở Singapore là điều chưa được đề cập đến, ngoài một số khuyến nghị rằng mọi người nếu chưa có, chưa mua bảo hiểm y tế thì hãy mua ngay (vì các gói bảo hiểm y tế này đương nhiên sẽ bao gồm bảo hiểm khi bị nhiễm Covid).
Liên hệ những chuyện này với Việt Nam. Một số công ty bảo hiểm ở Việt Nam gần đây đã tung ra các gói bảo hiểm liên quan đến Covid. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu chấm dứt việc này. Do không có một lý do nào được công bố đằng sau động thái này nên có một số đồn đoán đã được đưa ra để giải thích cho yêu cầu này của Thủ tướng. Nổi bật nhất là lý giải rằng việc ra yêu cầu này là để ngăn tình trạng trục lợi cả từ phía công ty bảo hiểm (Covid được xem là thảm họa nên công ty bảo hiểm sẽ được quyền từ chối bồi thường khách hàng bị nhiễm Covid) và người mua bảo hiểm (cố tình bị nhiễm để được đền bù).
So sánh với trường hợp bảo hiểm ở Singapore, việc Việt Nam cấm hãng bảo hiểm tung ra gói bảo hiểm Covid riêng không phải là ngoại lệ, tuy, như đã nói, lý do thực sự đằng sau đó là điều không rõ ràng, chưa được đề cập đến một cách chính thức. Nhưng ở Việt Nam cũng đã có một số ngân hàng, tổ chức cung cấp miễn phí các gói bảo hiểm Covid cho một số đối tượng (ví dụ như nhân viên ngân hàng và gia đình của họ). Điều này là khá giống với ở Singapore, và cho thấy có lẽ chỉ có các gói bảo hiểm miễn phí mới được phép và khuyến khích.
Dẫu vậy, có một điều chắc chắn rằng lý do để tránh xảy ra việc trục lợi của cả công ty bảo hiểm lẫn người mua bảo hiểm ở Việt Nam như trên là bất hợp lý. Việc các công ty bảo hiểm, ngân hàng và các tổ chức phi tài chính khác tự nguyện (mua) bảo hiểm Covid cho khách hàng của mình ở Singapore và cả ở Việt Nam cho thấy trong mắt các tổ chức này thì rủi ro khách hàng cố tình làm bị nhiễm Covid để được bảo hiểm là không đáng kể. Kể cả rủi ro này có tồn tại thì vẫn là nhỏ so với những lợi ích mà các tổ chức này thu được, như nói ở trên.
Các công ty bảo hiểm liên đới rõ ràng cũng không thể trục lợi bằng cách (bán) bảo hiểm Covid cho khách hàng để rồi tuyên bố rằng Covid là thảm họa đề từ chối bồi thường, bởi các điều kiện thụ hưởng được quy định rõ ràng trong hợp đồng bảo hiểm ký kết với người được bảo hiểm, không có điều khoản miễn trừ nào như vậy. Điều này đồng nghĩa với việc khi người được bảo hiểm bị nhiễm Covid và thỏa mãn các điều kiện đặt ra thì công ty bảo hiểm sẽ phải chi trả như cam kết chứ không phủi tay được.
Về lo ngại rằng người mua bảo hiểm cố tình bị nhiễm Covid để trục lợi, rõ ràng là sẽ có rất ít người (nếu có) tỉnh táo, có năng lực nhận thức bình thường lại mạo hiểm mạng sống của mình và đủ thứ rủi ro, phiền hà liên quan cho bản thân và gia đình khi cố tình nhiễm bệnh để hưởng một ít tiền hỗ trợ nằm viện (10-15 triệu đồng ở Việt Nam và 100-200 SGD/ngày ở Singapore) hoặc khi chết (100-150 triệu đồng ở Việt Nam và 10.000-25.000 SGD ở Singapore). Bởi vậy, và như nói ở đoạn trên, rủi ro của việc này là không đáng kể, nếu có.
Cuối cùng, lý do mà người viết có thể nghĩ ra để giải thích cho việc không có các gói bảo hiểm Covid riêng ở Việt Nam và Singapore là vì chúng không thật sự thiết yếu, không có không được vì thực tế là ở Singapore hay ở Việt Nam Chính phủ đều đài thọ toàn bộ chi phí liên quan Covid, và người cư trú đa phần có bảo hiểm y tế dưới dạng này hay dạng khác. Sự thiếu vắng các sản phẩm này càng là điều có ý nghĩa trong bối cảnh Chính phủ muốn tập trung các nguồn lực tài chính hữu hạn, gồm của các công ty bảo hiểm, để đối phó hữu hiệu hơn với Covid, đặc biệt khi nó bùng phát nghiêm trọng trên cả nước.